Tây Du Ký 2 Từ kỹ xảo tốt và hài hước đến bất ngờ

adsense 336x280
Sau thành công của Tây Du Ký: Đại Náo Thiên Cung với doanh thu hơn 170 triệu USD (tương đương 3786 tỉ đồng), nhà sản xuất tiếp tục thực hiện phần hai mang tên Tây Du Ký: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh . So với phần trước, dàn diễn viên gần như thay đổi toàn bộ. Chân Tử Đan rút lui khỏi dự án. Quách Phú Thành ở phần trước phụ trách vai Ngưu Ma Vương giờ đây lại trở thành Tôn Ngộ Không.

tây du ký 2
Tôn Ngộ Không của Quách Phú Thành có kiểu đầu đặc trưng

Vì câu chuyện không còn xoay quanh thiên đình, nên các diễn viên Châu Nhuận Phát (Ngọc Hoàng), Hà Nhuận Đông (Dương Tiễn) hay Trương Gia Huy (Lý Tịnh) cũng không quay trở lại. Thay vào đó, Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh có nhiều gương mặt trẻ: Phùng Thiệu Phong (Đường Tăng) hay Tiểu Thẩm Dương (Trư Bát Giới). Ngoài ra còn có sự xuất hiện rất được chờ đợi của hoa đán Củng Lợi , người đã hơn 5 năm mới quay lại với dòng phim cổ trang kể từ sau Shanghai.

Trong phần hai này, 500 năm đã trôi qua kể từ ngày Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung. Cơ duyên đã đưa Đường Tăng đến Ngũ Hành Sơn và giải thoát cho lão Tôn. Sau đó, họ kết nạp thêm Bát Giới và Sa Tăng ( La Trọng Khiêm ) cùng lên đường thỉnh kinh. Cùng lúc, nữ yêu Bạch Cốt Tinh (Củng Lợi) cũng dõi theo từng bước chân của bốn thầy trò và chực chờ cơ hội ra tay. Phiên bản điện ảnh đã làm ngắn gọn lại các tình tiết khi gộp chung việc thu phục Bát Giới và Sa Tăng, cũng như lược bỏ câu chuyện Trấn Nguyên đại tiên và đi thẳng đến kiếp nạn Bạch Cốt Tinh.

Nỗ lực thoát khỏi phiên bản gốc của Tây Du Ký 2 còn được thể hiện ở tính hài hước. Cách đây 20 năm, hai phần Đại Thoại Tây Du của Châu Tinh Trì đã ra mắt và được xem là đỉnh cao của sự trào lộng. Phiên bản lần này tuy chưa dám phóng tay như vua hài Hồng Kông, nhưng chất hài hước đã được cài vào rất khéo léo, hợp lý với câu chuyện.
đường tam tạng

Nhân vật Đường Tăng không còn quá nghiêm túc, mà đôi khi lại gây cười bởi sự nhiệt tình và "vi diệu" quá mức. Trong khi đó, Bát Giới và Sa Tăng lại thường xuyên tung hứng với những câu thoại bá đạo. Chính vì vậy, khán giả xem Tây Du Ký 2 sẽ có nhiều pha "cười lăn lộn" không kém gì Mỹ Nhân Ngư của Châu Tinh Trì. Trên thực tế, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy còn chia sẻ rằng ê-kíp đã phải cắt đi khá nhiều cảnh hài để không bị mang tiếng là phá hỏng tác phẩm.

Về mặt kỹ xảo, Tây Du Ký 2 tiến bộ hơn hẳn so với phần một, vốn từng bị chê bai bởi công nghệ 3D khá tệ, chưa kể một số quái vật trông giống như... cosplay. Sự có mặt của dàn chuyên viên Hollywood từng thực hiện Lord of the Rings đã phát huy tác dụng. Với kinh phí 68 triệu USD (hơn 1500 tỉ đồng), tác phẩm đã tạo ra được một thế giới kỳ ảo, kết hợp giữa những cảnh núi non hùng vĩ và kinh thành tráng lệ. Hiệu ứng CGI được đánh giá khá tốt vì những cảnh chiến đấu và hình ảnh 3D có độ chìm sâu.
trư bát giới

Các màn đọ sức của phim là sự kết hợp của võ thuật Trung Quốc và kỹ xảo phương Tây, đặc biệt là thủ pháp slow-motion. Với sự góp mặt của Hồng Kim Bảo trên cương vị cố vấn, các diễn viên đều ra đòn nhanh và có lực trong các pha cận chiến, dù không nhiều người trong số họ biết võ thuật. Trong trận đại chiến cuối cùng với Bạch Cốt Tinh, người xem sẽ mãn nhãn với những trường ác đấu quyết liệt như trong các bộ phim siêu anh hùng của Hollywood.

Trong vai chính, Quách Phú Thành có diễn xuất tốt bất ngờ. Anh không cố bắt chước theo sự linh động hay chất khỉ của Lục Tiểu Linh Đồng , điều mà Chân Tử Đan đã thất bại. Thay vì vậy, nam diễn viên thể hiện nhân vật có phần "đời" hơn, hơi giống với mẫu đại hiệp trong truyện võ thuật. Tôn Ngộ Không của Quách Phú Thành nóng tính và đôi khi có những trăn trở rất hợp lý về việc tại sao mình lại phải phục vụ dưới trướng một người chẳng có tài cán gì như Đường Tăng.
Nguồn: gamek.vn
adsense 336x280